Theo TS. Nguyễn Đức Thành, mô hình cấu trúc cũ của nền kinh tế trong tư duy lẫn hiện thực như hiện nay có một sức ỳ.
Nếu không muốn nói là phản kháng ghê gớm với bất cứ một cải cách cấp tiến nào muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo của một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Tất cả chúng ta đều không thể né tránh việc phải đối diện với những thách thức đó
TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng
Được biết, ngày 19/9/2012 tới đây, VEPR sẽ ra mắt cuốn sách Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 với tựa đề “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”. Hàm ý của tựa đề này là gì, thưa ông?
Hàm ý chung khi đặt tựa đề này là muốn lưu ý những khó khăn, thách thức sẽ bộc lộ khi chúng ta thật sự tác động đến cơ cấu của nền kinh tế.
Nền kinh tế vốn được duy trì trong một cấu trúc không mấy lành mạnh: tăng trưởng dễ dãi dựa trên mở rộng tín dụng, phụ thuộc nhiều vào các đại tập đoàn nhà nước kém hiệu quả, không minh bạch và thiếu trách nhiệm, sự hoành hành đầy ngạo mạn của các nhóm lợi ích, năng suất và năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế liên tục suy giảm, tầm nhìn phát triển mãi dùng dằng với tư tưởng kinh tế nhà nước làm chủ đạo...
Cấu trúc cũ cả trong tư duy lẫn hiện thực như vậy có một sức ỳ, nếu không muốn nói là phản kháng ghê gớm với bất cứ một cải cách cấp tiến nào muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo của một nền kinh tế thị trường lành mạnh. Tất cả chúng ta đều không thể né tránh việc phải đối diện với những thách thức đó.
|
|
|
TS. Nguyễn Đức Thành |
Theo ông, các kịch bản kinh tế trong năm 2012 có thay đổi so với bản Báo cáo thường niên 2012 mà VEPR đã công bố ngày 24/5?
Vẫn là 2 kịch bản không thay đổi. Kịch bản 1: lạm phát thấp khoảng 4,6 %, tăng trưởng GDP chỉ 4,4%.
Kịch bản 2: GDP có thể đạt 5,1%, lạm phát khoảng 6,2%. Trong kịch bản này có sự phục hồi tương đối tích cực của sản xuất thông qua việc lãi suất giảm dần về cuối năm khiến mức độ hấp thụ tín dụng của nền kinh tế tăng trở lại từ khoảng quý III. Cộng thêm tác động từ chính sách nới lỏng tài khóa vào nửa sau của năm.
Hiện đã là giữa tháng 9, thời điểm này dường như đã có thể đưa ra những dự báo khá sát cho việc thực hiện kế hoạch 2012. Vì sao VEPR không thay đổi dự báo?
VEPR vẫn giữ các nhận xét, dự báo từ ấy vì tôn trọng tính thời điểm của nghiên cứu. Lúc đó cả cơ quan của Chính phủ và tổ chức quốc tế đều dự báo với các chỉ số lạm phát cao hơn, tăng trưởng cao hơn dự báo của VEPR. Và sau đó họ đều có điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Nhìn chung các dự báo gần đây nhất thì đã khá gần với dự báo của VEPR.
Vậy, VEPR đánh giá thế nào về tình hình năm 2013?
Năm 2013 tăng trưởng kinh tế có thể không được cải thiện nhiều, mà lạm phát thì lại có nguy cơ cao hơn năm nay. Chưa kể bối cảnh quốc tế lại không có mấy sáng sủa, đặc biệt là tương lai kinh tế của Trung Quốc.
Tôi e ngại chúng ta vì nôn nóng phục hồi tăng trưởng trong năm 2013, nên sẽ tăng đầu tư công và mở rộng tín dụng trở lại, làm môi trường vĩ mô mất đi sự ổn định tạm thời của năm nay, trong khi hiệu quả đối với tăng trưởng cũng không được là bao, và nền kinh tế tiếp tục bị sa lầy trong sự phân bổ nguồn lực méo mó, vì các chính sách kích thích kinh tế thường chỉ có lợi cho những DN hay thành phần kém hiệu quả, nhất là khu vực kinh tế nhà nước.
Chính phủ đã bàn đến 2 phương án cho năm 2013: Phương án 1, GDP tăng khoảng 6-6,5%; Phương án 2, tăng khoảng 5,5-6%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chọn phương án tăng trưởng 6%. Theo ông, mục tiêu nào là hợp lý?
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Chính phủ đã đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch 2012 với tăng trưởng GDP từ 5,2-5,5% và chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng khoảng 7-8%. |
Tôi cho rằng mục tiêu chính sách cho năm 2013 không nên quá tham vọng. Nên tiếp tục thận trọng theo đuổi mục tiêu lạm phát dưới một con số và đặt mục tiêu tăng trưởng không vượt quá xa năm 2012.
Theo đó, đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2013 vào khoảng 5,5% là hợp lý, lạm phát cứ dưới một con số là đáng mừng rồi. Mục tiêu chính cho năm 2013 nên là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, do đó, ổn định vĩ mô là một điều kiện cần tối quan trọng, và khả năng tăng trưởng của nền kinh tế tự nó sẽ bị giới hạn bởi chính hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp lại trong nội bộ nền kinh tế.
Có thể nói, đó là sự hy sinh tăng trưởng tạm thời để sắp xếp lại nền kinh tế, lấy đà cho tương lai, hơn là cứ tiếp tục gắng chạy trong lúc hụt hơi.
Chọn mục tiêu 5,5% có quá thận trọng, bởi đến nay, kinh tế vĩ mô dường như đã ổn định hơn khá nhiều?
Trong năm 2012, nền kinh tế chứng kiến những “lợi thế” của sự “ổn định vĩ mô” tạm thời, thể hiện qua mức lạm phát cả năm tương đối thấp, cán cân thương mại thâm hụt không đáng kể, cán cân thanh toán thặng dư (giúp tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá). Tôi muốn nhấn mạnh rằng những lợi thế này chỉ là tạm thời vì nguyên nhân của chúng bắt nguồn từ sự suy giảm bất thường của tổng cầu.
Sâu xa hơn, nguyên nhân của sự suy giảm tổng cầu lại bắt nguồn từ quá trình thu hẹp hoạt động của hệ thống DN, môi trường kinh doanh còn chứa đựng nhiều bất trắc, và lãi suất cho vay cao.
Như vậy, những dấu hiệu “ổn định vĩ mô” tạm thời chỉ là biểu hiện của những nguy cơ “bất ổn kinh tế” tiềm tàng, gồm: tăng trưởng kinh tế thấp, tín dụng hầu như không tăng trưởng, DN thu hẹp sản xuất hoặc giải thể, phá sản, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM cao, nguồn thu ngân sách giảm gây sức ép tăng thâm hụt ngân sách... Tôi cho rằng những cân đối vĩ mô hiện nay chưa được xây dựng trên một nền tảng vững chắc.